Truyền thông xã hội (TTXH – social media) đang trở thành một công cụ thời thượng của ngành tiếp thị. Nhiều công ty hàng đầu đã và đang đổ tiền vào các chiến dịch quảng cáo rầm rộ trên các trang như Facebook, Twitter hay YouTube. Tuy nhiên , tác động thật sự của truyền thông xã hội đến thương hiệu, doanh số và dịch vụ khách hàng vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi.

Jonathan Salem Baskin – Chuyên gia thương hiệu đã từng làm việc cho Apple, Blockbuster và Limited Inc. đưa ra một số ví dụ: Old Spice đăng tải nhiều video trên Youtube nhưng chính quảng cáo và tiếp thị truyền thống mới thu hút người tiêu dùng mua hàng. Burger King và Pepsi là những thương hiệu tiên phong trong việc sử dụng TTXH để tiếp thị nhưng doanh số bán hàng vẫn giảm.

Tuy nhiên, phải nói ngay rằng TTXH không phải là nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm doanh số của các thương hiệu nói trên. Vấn đề nằm ở chỗ, các công ty này đã không xác định được mục tiêu rõ ràng của các chiến dịch TTXH và sử dụng không hiệu quả các công cụ này. Mặc khác, theo Baskin, các nhà tiếp thị nhận thức về TTXH dựa trên các quan điểm tiếp thị quá cũ.

Cách làm hiện nay của các chiến dịch TTXH là cố gắng tác động đến quyết định mua hàng của người tiêu thụ thông qua các nội dung quảng cáo gián tiếp đăng tải trên các mạng xã hội dưới hình thức blog, ảnh,video… Việc này chẳng khác nào việc phát những đoạn phim quảng cáo có nội dung không đề cập trực tiếp tới sản phẩm, chỉ khác là nó được chuyển tải tới khách hàng qua mạng internet.

Sau đây những nhận định sai lầm khiến việc tiếp thị bằng TTXH đi chệch hướng.

1. “Thương hiệu” tồn tại như một thực thể

Các nhà tiếp thị đã quen với suy nghĩ “Thương hiệu tồn tại như một thực thể”. Trên thực tế, “thương hiệu” chỉ là một khái niệm trừu tượng mà thôi. Bản thân thương hiệu không có giọng nói, danh tiếng, thuộc tính riêng hay hành động. Khi các nhà quảng cáo đánh giá mức độ nhận biết của một thương hiệu nào đó, họ chỉ ghi lại nhận định của khách hàng về thương hiệu trong một khoảng thời gian cố định. Vì vậy, ý định tạo ra các cuộc đối thoại giữa “thương hiệu” và ”người tiêu dùng” là không có cơ sở. Khách hàng nói về thương hiệu chứ không nói với thương hiệu. Thay đổi nhận thức của bạn về thương hiệu là bước đi quan trọng đầu tiên giúp bạn sử dụng hiệu quả hơn, xác định được mục đích khi sử dụng các kênh truyền thông này. Bạn cần tạo điều kiện cho khách hàng nói về thương hiệu của bạn.

2. TTXH đem tới cơ hội đối thoại với khách hàng

Các nhà tiếp thị thuyết phục bạn: Mạng xã hội không giống các phương tiện truyền thống, nó sẽ giúp bạn tiếp cận trực tiếp, nhanh hơn và gần hơn với khách hàng. Thế là họ tích cực tận dụng mọi phương tiện truyền thông để giúp bạn giao tiếp với khách hàng. Tuy nhiên, cuộc đối thoại nào cũng có giá của nó và bạn phải mất rất nhiều tiền bạc và thời gian để làm được điều đó. Đối thoại cũng không phải là việc mới mẻ và không phải đợi đến khi mạng xã hội ra đời thì nhà kinh doanh mới có cơ hội đối thoại với khách hàng. Bạn nên hạn chế giao tiếp với khách hàng nếu các cuộc nói chuyện này không hướng đến một mục tiêu hay đem tới những giá trị cụ thể.

3. TTXH giúp thương hiệu có thêm bạn *(friend trong friendlist), cũng có nghĩa là thêm khách hàng

Bạn có một danh sách bạn bè (friendlist) hoặc người hâm mộ (fan) dài dằng dặc không có nghĩa tất cả họ đều là khách hàng của bạn. Một cú click chuột không nói lên điều gì đáng kể. Các trang mạng xã hội cung cấp cho bạn chức năng “ Thêm bạn” hoặc “Thích” không có nghĩa là bạn và khách hàng có một mối quan hệ bạn bè thực sự.”Bạn bè“ hiểu đúng nghĩa của nó cần nhiều yếu tố hơn thế. Ngoài tình cảm, tình bạn còn đòi hỏi những hành động quan tâm lẫn nhau trên thực tế. Việc chuyển đổi danh sách bạn bè thành danh sách khách hàng không đơn giản. Và mối quan hệ giữa doanh nghiệp với khách hàng, không thể được duy trì bằng các trò giải trí online. Điều quan trọng không phải là thu hút được nhiều người nhấn nút “Thích” (Like). Bạn phải tận dụng mọi cơ hội tương tác với khách hàng để giao tiếp hiệu quả và thuyết phục được họ sử dụng dịch vụ, sản phẩm. Chất lượng quan trọng hơn số lượng.

4. Mục tiêu của các chiến dịch TTXH không phải là bán hàng

Các nhà tiếp thị vẫn sử dụng nhận định này để giải thích cho mục tiêu của các chiến dịch TTXH. Họ tổ chức các chiến dịch TTXH không nhằm mục đích bán hàng mà củng cố mức độ nhận biết thương hiệu. Nhưng sự thật là:

1) Người tiêu dùng vẫn không tin tưởng thương hiệu
2) Các doanh nghiệp tiếp tục làm mọi cách để nâng cao giá trị thương hiệu
3) Người tiêu dùng hiện nay là ít trung thành hơn bao giờ hết

Doanh nghiệp đưa thông tin cho thị trường theo nhiều cách khác nhau và ai cũng hiểu lý do tại sao họ làm vậy. Doanh nghiệp tồn tại là để bán hàng- đó là một thực tế không thể phủ nhận. Người tiêu dùng nhận thức được thực tế này nên khi bạn cố gắng nói tránh đi thì chỉ càng làm người tiêu dùng tăng thêm sự nghi ngờ (Dù họ rất thích thú và sẵn sàng tham gia các hoạt động miễn phí online (thường chẳng có giá trị gì).

Như vậy, mục tiêu của các chiến dịch TTXH phải là bán hàng.

Doanh nghiệp và các nhà tiếp thị – quảng cáo cần truyền đi thông điệp này một cách rõ ràng. Tăng doanh số phải là yếu tố hàng đầu đánh giá sự thành công của một chiến dịch TTXH.

Theo tapchimarketing